Nhà mạng AT&T chi 48,5 tỉ USD thâu tóm DirecTV
DirecTV Nhà mạng AT&T chi 48,5 tỉ USD thâu tóm DirecTV Thương vụ trị giá 48,5 tỉ USD sẽ đưa hãng truyền hình vệ tinh hàng đầu tại Mỹ về với nhà mạng AT&T – Ảnh: Reuters Thương vụ được công bố ngày 18-5, thể hiện bước chuyển mình to lớn của AT&T trong việc tìm kiếm nguồn doanh thu mới bên cạnh kinh doanh viễn thông tại Mỹ, hiện có mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
AT&T sẽ trả 95 USD cho mỗi cổ phần DirecTV, trong đó, khoảng 28,5 USD tiền mặt và 66,5 USD cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch lên đến 67,1 tỉ USD bao gồm khoảng nợ ròng của DirecTV. Cả hai công ty kỳ vọng sẽ hoàn tất quá trình sáp nhập trong 12 tháng.
Thành lập năm 1994, trải qua nhiều cuộc bể dâu, DirecTV hiện là nhà cung cấp truyền hình vệ tinh số 1 tại Mỹ với 20 triệu khách hàng, và gần 18 triệu người dùng ở châu Mỹ La tinh. Trong khi đó, AT&T đang sở hữu 11 triệu thuê bao Internet, và theo Reuters, nhà mạng kỳ vọng có thêm 15 triệu khách hàng đăng ký Internet băng thông rộng trong bốn năm kế tiếp sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm này.
Trước đó giữa tháng 2, Comcast tuyên bố thâu tóm Time Warner Cable với 45 tỉ USD trong tham vọng nắm 30% thị phần truyền hình cáp, cũng như vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp thuê bao Internet.
Tuy nhiên, cả hai thương vụ thâu tóm tỉ đô đều phải trải qua quá trình xem xét và phê duyệt từ các nhà quản lý vì những lo ngại vi phạm luật cạnh tranh, chống độc quyền. Các công ty đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn có thể bị đè bẹp. Dish Network, mạng truyền hình vệ tinh lớn thứ hai sau DirecTV với 14 triệu thuê bao là một minh chứng. Năm 2001, thậm chí Dish Network đã chào giá sáp nhập DirecTV nhưng bị từ chối bởi cơ quan quản lý.
Nhà mạng AT&T chi 48,5 tỉ USD thâu tóm DirecTV Biểu đồ số thuê bao truyền hình tại thị trường Mỹ, và thương vụ giữa Comcast với Time Warner Cable có thể tạo ra một đại diện mới nắm đến 33 triệu thuê bao, vượt xa DirecTV và Dish Network – Nguồn: Reuters Năm 2011, AT&T cũng đã tung ra 39 tỉ USD để thâu tóm đối thủ là nhà mạng di động T-Mobile USA nhưng thương vụ cũng bất thành do không được chấp thuận.
Giới phân tích cho rằng đây là bước đi lớn của AT&T nhằm mở rộng dịch vụ trên hạ tầng mạng băng rộng của mình, cụ thể là dịch vụ truyền hình và video trên di động. DirecTV cũng hưởng lợi vì có thể đưa dịch vụ truyền hình của mình vượt ra khỏi màn hình tivi, hiện diện trên bất kỳ thiết bị di động nào có kết nối Internet. Một dịch vụ xem trả phí video hay truyền hình theo yêu cầu (dạng OTT) có thể sẽ sớm ra mắt nếu thương vụ được thông qua.
Nhà mạng AT&T chi 48,5 tỉ USD thâu tóm DirecTV Dịch vụ trả phí cung cấp video theo yêu cầu (OTT) của DirecTV – Ảnh: Bloomberg Đây là thương vụ thâu tóm lớn thứ ba trong lịch sử AT&T. Trước đó, nhà mạng này đã rước Ameritech Corp vào năm 1999 và con số thâu tóm gây ấn tượng mạnh là 83 tỉ USD dành cho BellSouth năm 2006.
AT&T cho biết công ty cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Luật trung lập Internet (Net Neutrality) trong ba năm, điều này đồng nghĩa với việc họ không chặn các website hay chọn lọc tăng hay giảm tốc độ lưu lượng truy cập Internet.